Hình dáng đất không tốt về phong thủy, gây khó khăn thiết kế nhà ở
Đất xéo chỉ là một ví dụ cho nhiều trường hợp xấu về phong thủy, liên quan đến hình dáng đất. Ngoài đất xéo ra còn có các thế đất khác như đất có hình dạng bất thường, đất hình bình hành, hình tam giác, đất chữ L, chữ U, thóp hậu hay kể cả nở hậu,… thì đều được xem là những thế đất xấu về phong thủy.
Riêng thế đất nở hậu, dù quan niệm cho rằng đây là thế đất tốt, vì có thể giữ được tài lộc, nhưng vẫn không phải là thế đất hoàn hảo, vì vẫn bị khuyết góc. Chung quy lại, tất cả các thế đất có hình dạng không vuông vức đều chưa tốt về phong thủy. Hình dáng đất đẹp nhất là có các cạnh vuông vức, tỉ lệ chiều rộng và chiều dài không quá chênh lệch như kiểu nhà ống.
Những hình dáng đất xấu về phong thủy
Đối với đất hình ống, mặt tiền quá hẹp so với chiều sâu nhà sẽ bất lợi về mặt thông thoáng. Khi thiết kế sẽ không có nhiều phương án lựa chọn. Đặc biệt, nếu nhà có công năng từng tầng biến đổi sẽ khó bố trí trục thang. Điển hình như khi tầng trệt kinh doanh buôn bán, cần để thang cuối nhà để diện tích buôn bán rộng rãi nhất.
Nhưng khi lên các tầng trên, cần ngăn chia thành nhiều phòng ngủ thì việc để thang cuối nhà sẽ tạo ra hành lang dài, các phòng ngủ sẽ bị hẹp hơn. Tương tự, đối với phong thủy nhà hình ống thì các cung phía trước và sau nhà sẽ chiếm phần lớn diện tích, điều này gây ra nhiều khó khăn khi bố trí nhà theo phong thủy.
Nhà hình ống
Đất không vuông vức sẽ ít nhiều tác động đến hình dáng của ngôi nhà, dễ khiến cho ngôi nhà xây lên cũng bị xéo theo, như vậy sẽ rất khó bố trí công năng, vật dụng. Các góc chết sẽ hình thành, đó là nơi bám bụi, là các góc tối của căn nhà. Việc thi công một căn nhà xéo cũng khó đảm bảo về mặt kỹ thuật lẫn thẩm mỹ hơn một căn nhà vuông vức.
Với nhà xéo, việc xác định tâm nhà để làm phong thủy gây khó khăn cho nhiều người. Ngoài ra, nhà không vuông vức đều được xem là nhà khuyết góc. Mỗi ngôi nhà luôn được chia thành 8 Cung: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài, tương ứng với các hướng: Tây Bắc, Bắc, Đông Bắc, Đông, Đông Nam, Nam, Tây Nam, Tây. Mỗi hướng đại diện những yếu tố cơ bản: cung phi, ngũ hành, đối tượng, độ tuổi và một ý nghĩa nhất định. Nếu nhà bị khuyết góc nào thì các yếu tố của góc đó sẽ bị tác động không tốt.
Cách hóa giải đất có hình dáng xấu
Nếu đất bị khuyết góc và có diện tích hạn chế thì đa số chúng ta vẫn chấp nhận xây nhà theo hình dáng lô đất. Khi nhà bị khuyết góc, đầu tiên cần xác định được góc bị khuyết nằm ở phương vị nào, rồi tra bảng dưới đây để tìm cách hóa giải.
Ví dụ: Nhà này bị khuyết cung Càn (hướng Tây Bắc) và cung Khảm (hướng Bắc)
+ Hướng Tây Bắc khuyết nhiều nên gây ảnh hưởng xấu cho: người có cung phi Càn; ngũ hành Kim (bệnh về phổi, hô hấp); người cha, ông; đàn ông trên 45 tuổi và cung quý nhân (hiếm có người giúp đỡ).
Để hóa giải, nên đặt vật phẩm phong thủy mang ngũ hành kim; sơn tường màu trắng, xám; treo tranh ảnh hình kim khí; đặt hình hoặc tượng con chó, lợn; hay dùng họa tiết hình tròn ở hướng Tây Bắc, để bù đắp ngũ hành kim bị thiếu.
+ Hướng Bắc bị khuyết ít hơn, vì vậy mức độ ảnh hưởng ít đối với: người có cung phi Khảm; ngũ hành Thủy (bệnh về thận); người con trai giữa; độ tuổi từ 15-30 và cung quan lộc (khó thăng tiến).
Nếu muốn hóa giải có thể áp dụng: đặt chậu nước, sơn tường màu xanh nước biển; treo tranh ảnh hình sông, biển, hồ, hình hoặc tượng con chuột; hay trang trí trần, tường, hình gợn sóng ở hướng Bắc, để bổ sung thêm ngũ hành thủy bị khuyết.
Ngoài việc bổ sung cho đầy đủ ngũ hành ở phương vị bị khuyết, ta cần phải giữ sạch sẽ, thoáng đãng cho nơi này, vì nếu ở đây vừa bị khuyết lại vừa bẩn, ẩm thấp thì mức độ xấu càng thêm nặng. Có thể đóng tủ, kệ, xây hộp kỹ thuật,… ở những góc này để lấy lại hình dáng vuông vức cho không gian.
Đối với những trường hợp đất khuyết góc nhưng diện tích lớn, cách hóa giải tốt nhất là xây nhà vuông vức, chừa phần diện tích dư ra để làm sân vườn, công trình phụ kho, khu giặt phơi, gara để xe,… thì được xem đã hóa giải hoàn toàn.
Minh họa thế đất xéo nhưng đã được hóa giải bằng cách xây nhà vuông vức
Đối với trường hợp đất hình ống, bề ngang hẹp, chiều dài lớn, cần tạo không gian sân trong, giếng trời, để lấy sáng, thông thoáng cho khu vực giữa nhà. Lệch tầng cũng là một giải pháp hay, nhằm tăng cường đối lưu không khí cho căn nhà.
Về phong thủy, nhà hình ống khó xoay chuyển về cách bố trí đại cục, ta có thể xử lí trong tiểu cục của từng phòng. Đại cục có xấu đi nữa, nhưng tiểu cục tốt thì không còn quá lo ngại. Như ví dụ ở nhà hình ống ở trên, theo đại cục thì giường ngủ gia chủ nằm ở phương vị Lục Sát – xấu; xét chi tiết hơn trong phòng ngủ thì giường ngủ đang nằm ở phương vị Thiên Y – tốt.