Các chuyên gia cho rằng nguồn cung của thị trường bất động sản 2024 sẽ vẫn khan hiếm, dù có thể nhiều hơn so với năm 2023. Nguyên nhân của thực trạng này theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam vẫn là những lý do “cũ kĩ” khi thị trường thiếu các quỹ đất sạch, giá đất phê duyệt quá cao, các vướng mắc về pháp lý chưa được giải quyết rốt ráo khi các Luật sửa đổi dù được Quốc hội thông qua nhưng sớm nhất đầu 2025 mới có hiệu lực. Ngoài ra, do sức mua của thị trường vẫn kém nên các doanh nghiệp bất động sản giữ tâm lý thận trạng khi tung nguồn hàng.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Hữu Minh Dũng, Trưởng bộ phận R&D của BHS Group cho biết thị trường bất động sản 2024 sẽ khó có sự bùng bổ nguồn cung bởi những dự án được phê duyệt vẫn ít ỏi. Sự sụt giảm về nguồn cung, phần lớn nguyên nhân đến từ vấn đề tài chính và pháp lý dự án. Nút thắt về pháp lý khiến các nhà đầu tư ngày càng thận trọng. Họ cân nhắc nhiều hơn khi đưa ra quyết định đầu tư bất động sản thời điểm này.
Ông Dũng cho biết việc các Luật sửa đổi được thông qua, cũng như nỗ lực minh bạch và lành mạnh hoá thị trường sẽ khiến các dự án đủ điều kiện ra hàng trong tương ngày càng phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe. Quá trình ra hàng của chủ đầu tư sẽ lâu hơn khiến chi phí tăng lên. Đặc biệt, khi áp dụng phương pháp tính tiền sử dụng đất mới, chi phí giải phóng mặt bằng cũng lớn hơn khiến giá thành sản phẩm có xu hướng đắt đỏ hơn.
Ông Neil MacGregor, Giám đốc điều hành của Savills Việt Nam cho biết những trở ngại về thủ tục hành chính, trở ngại về phí sử dụng đất và phê duyệt quy hoạch 1/500 là thách thức lớn của các chủ đầu tư bất động sản tại Việt Nam. Các rào cản pháp lý này khiến nguồn cung được đẩy ra thị trường bất động sản 2024 sẽ vẫn hạn chế. Ngay ở thực tại và tương lai gần, không khó để nhận ra thị trường đang có rất ít dự án có đầy đủ pháp lý, ngoài hệ luỵ khan hiếm nguồn cung còn là hệ luỵ khan hiếm tín dụng khiến các ngân hàng gặp khó khăn trong việc có được tài sản thế chấp cần thiết để cho vay cho các dự án bất động sản.
TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định, dù nhìn chung thị trường BĐS hiện nay vẫn đang đối mặt nhiều khó khăn, nguồn cung vẫn hạn chế nhưng các tín hiệu tích cực đang ngày càng rõ ràng hơn trong năm 2024. Một trong những điểm nghẽn lớn của thị trường là chính sách tiền tệ thì đã dần được tháo gỡ trong năm 2023. Chính sách tiền tệ sẽ linh hoạt và nới lỏng hơn trong năm 2024, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và người dân tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn so với trước đó. Ngoài ra, lãi suất tiền gửi ngân hàng vẫn tiếp tục xuống thấp sẽ thôi thúc người dân tìm kiếm các kênh đầu tư khác, trong đó bất động sản sẽ luôn là một trong những lựa chọn được giới đầu tư đánh giá cao.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng thị trường bất động sản 2024 sẽ ghi nhận rõ ràng hơn xu hướng tái cấu trúc thị trường. Các chủ đầu tư đã, đang và sẽ tập trung hơn nữa mọi nguồn lực để phát triển các sản phẩm có lực cầu cao nhằm nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường, thu dòng tiền về. Trong năm tới, dòng sản phẩm phục vụ nhu cầu ở thực sẽ vẫn chiếm lĩnh thanh khoản thị trường. Những sản phẩm bất động sản giá cao sẽ điều chỉnh giá về sát thị trường hơn nhằm tăng lượng giao dịch. Một trong các điểm sáng về nguồn cung của thị trường bất động sản 2024 sẽ là các dự án nhà ở xã hội. Phân khúc này sẽ dồi dào nguồn hàng hơn trong năm sau và các năm kế tiếp.